Cách nuôi tảo gây màu nước trong nuôi tôm

Như chúng ta đã biết, trong nuôi tôm thì ngoài tôm nuôi, chúng ta cũng cần chú ý đến các sinh vật khác, và tảo là một trong những sinh vật đó. Tảo trong nước cung cấp oxy và là thức ăn cho tôm nhỏ. Tảo cũng là nơi cư trú của các chủng vi khuẩn có lợi giúp phân hủy chất thải của tôm, thức ăn thừa, tái tạo nitơ… Tuy nhiên, tảo có nhiều loại và vi khuẩn cũng thế, cho nên, việc bón phân nuôi tảo gây màu nước nhằm nuôi dưỡng hệ tảo-vi khuẩn có lợi, khống chế các loại tảo độc là việc bà con nông dân phải làm. . Màu bã trà là màu của hỗn hợp tảo và vi khuẩn, màu được người nuôi tôm ưa thích. Hệ này rất ổn định,đảm bảo nước có chất lượng tốt.

Cách nuôi tảo gây màu nước trong nuôi tôm

Xem thêm:

  1. Tảo giúp ích thể nào cho nuôi tôm – Các loại tảo trong ao nuôi tôm ?
  2. Hiện tượng Tôm kéo đàn và những chú ý cần biết

Những lưu ý trước khi bắt đầu nuôi tảo gây màu nước nuôi tôm

  • Trong ao nuôi tôm, mật độ tảo rất quan trọng, không được quá dày hay quá thưa. Nếu tảo thưa thì ao sẽ trong, hệ tảo độc tầng đáy sẽ phát triển, gây hại cho tôm. Thế nhưng khi tảo dày, nước đục sẽ dẫn đến thiếu oxy vào ban đêm.
  • Phải thường xuyên kiểm tra độ trong của nước bằng đĩa Sechi, mật độ của tảo tương ứng với độ trong của nước. Dùng đĩa Sechi và thả vào nước cho đến khi không phân biệt được ranh giới trắng đen trên đĩa, độ sâu tốt nhất để nuôi tôm là 20-25 cm.

nuôi tảo gây màu nước

Nguyên tắc nuôi tảo gây màu nước trước khi thả giống

Nuôi tảo gây màu nước phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học hay hữu cơ cùng các nguyên tố vi lượng. Cho nên để đạt hiệu quả cao nhất cần cân bằng các chất.

  • Phân vô cơ (phân hóa học) : Đặc điểm khi dùng phân vô cơ là hiệu quả nhanh, tuy nhiên thời gian duy trì ngắn và ảnh hưởng đến môi trường nước rất lớn. Sử dụng phân hữu cơ thì chậm có tác dụng hơn nhưng duy trì lâu, an toàn cho môi trường. Trong nuôi tảo gây màu nước cần kết hợp 2 loại để có hiệu quả cao.
  • Khi sử dụng phân vô cơ phải dựa vào tình hình ánh sáng mặt trời, dùng ít nhưng nhiều lần. Ánh sáng mạnh, thời gian chiếu sáng dài thì bón nhiều, ngược lại thì bón ít nhưng bón nhiều lần. Nếu không những ngày trời mưa, sau khi bón phân, phần lớn sẽ chìm xuống đáy ao, có khả năng khiến rêu xanh sinh sôi nhiều.

  • Phải kiểm soát đúng lượng phân bón xuống ao để tránh lãng phí và đạt hiệu quả cao. Cần quan sát các yếu tố khác như độ trong của nước, lượng bùn đáy để điều chỉnh cho thích hợp.Nếu bùn đáy nhiều thì bón ít, bùn đáy ít hoặc ao mới thì bón một lượng thích hợp. Khi bùn đáy ít, nếu chỉ bón riêng chế phẩm vi sinh (khuẩn sống) thì hiệu quả gây màu tương đối kém, những khuẩn này sau khi xuống ao sẽ không gì có thể phân giải nó thành phân bón được.
  • Bón phân sau khi thả giống nên bón ít nhưng nhiều lần, sử dụng ít hoặc thận trọng khi sử dụng phân đạm như phân urê, nếu không thì hàm lượng NH3 có thể sẽ tăng lên.

Có thể gây màu nước bằng nhiều cách: bón phân vô cơ, hữu cơ, cám gạo, mật đường, bột gạo

1. Gây tảo bằng phân bón hóa học N-P-K

Bón phân cần tiến hành 1-2 tuần trước khi thả giống.

Phân bón gồm đạm (nitơ), lân (phốtpho), kali, và các loại phân vi lượng. Các loại phân này có thể được trộn lẫn thành phân hỗn hợp. Nên đánh cám, bột, gỉ đường kèm với phân.

Phân bón có thể ở dạng hạt, hay nước. Phân dạng hạt khi rải sẽ rơi xuống đáy ao và tan từ từ, nhưng phần lớn phân phốt phát sẽ bị bùn đáy hấp thu nên khó tan trở lại vào nước. Phân bón ở dạng lỏng có hiệu quả hơn vì tan ngay, do đó nên hòa tan phân vào nước rồi phun xuống ao. Với phân bón dạng lỏng thì cũng phải pha loãng nhiều lần rồi mới phun.

Với các ao nước ngọt thì lượng phân bón là 2 – 8 kg P2O5/ha và 1- 2 kg N/ha. Lựa chọn dễ nhất là DAP (18-47-0) với mật độ bón 10 – 20 kg/ha trong khoảng thời gian 2 – 4 tuần. Lượng tảo sẽ tăng 2 – 10 lần so với ao không được bón phân. Chú ý không được bón nhiều, vì tảo sẽ bùng phát quá mức cần thiết, gây bất lợi.

Với nước lợ thì cần nitơ nhiều hơn, N:P = 2:1, hay N:P2O5= 2:2,3. Lượng nitơ bón là 2 – 4 kg/ha/ngày, còn P2O5 sẽ là 2,3 – 4,6 kg/ha/ngày. Lượng Nitơ 2 – 4 kg/ha/ngày tương đương với 4,5 – 9 kg urê/ha/ngày hay 12,5 – 25 kg NaNO3/ha/ngày . P2O5 2,3 – 4,6 kg/ha tương đương với 5 – 10 kg TSP, hay 14,5 – 29 kg SSP.

Lưu ý không bón các loại phân có chứa amôniac và urê khi trong ao đã có con nuôi, vì amôniac làm con nuôi mệt mỏi, chậm lớn.

2. Gây tảo bằng phân hữu cơ

Phân hữu cơ như phân xanh, bột đậu nành, cám gạo, bột cá thúc đẩy nhanh sự phát triển của tảo. Thông thường rải với mật độ 25 – 50 kg/ha/ngày thì tảo sẽ bùng phát sau 4-5 ngày. Không nên dùng phân chuồng, phân gà; vì các loại phân này dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh.

3. Tảo, vi sinh tôm

Rất khó kiểm soát loại tảo sẽ phát triển. Hai ao cạnh nhau, cùng một chế độ chăm sóc, nhưng tảo và vi sinh có thể khác nhau cả về số lượng lẫn chủng loại do mầm tảo và vi khuẩn trong hai ao có thể khác nhau. Tốt nhất là lấy một phần nước ở ao đã có màu đẹp, cho vào ao mới và rải cám để thúc đẩy tảo và vi sinh có lợi phát triển.

Sau 2 – 4 tuần, hệ tảo – vi khuẩn đã phát triển, nước đã có màu tốt, (vàng nâu hoặc nâu lục), độ trong đạt 25-40 cm thì thả tôm giống. Việc bón phân không cần thiết nữa, vì chất thải và thức ăn thừa là dưỡng chất cho tảo và vi sinh phát triển.

Tôm nhỏ chủ yếu ăn phiêu sinh. Tôm lớn dần, cần nhiều thức ăn hơn nên khoảng 7-10 ngày sau thì tảo trong ao có thể cạn dần, khi đó cần bổ xung cám để cám ổn định màu nước, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn thức ăn tự nhiên. Trong vòng 20-30 ngày đầu không cần cho ăn thêm thức ăn công nghiệp.

Trong trường hợp mật độ thả cao 50 con/m2 trở lên, nguồn thức ăn tự nhiên có thể không đủ, cần cho thêm thức ăn công nghiệp thích hợp dành cho tôm giống. Thức ăn này cũng là dưỡng chất cho tảo và vi khuẩn phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Giai đoạn đầu không được cho tôm ăn thức ăn tươi sống như cá, nhuyễn thể, trứng nghiền vì tôm con chưa ăn được, mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển, vô tình phá vỡ cơ cấu sinh thái nước ao.

Nguyên nhân nuôi tảo gây màu nước thất bại

  • Nguyên nhân đầu tiên khiến việc nuôi tảo gây màu nước thất bại là do bản thân tảo trong ao quá ít, hoặc ao lót bác, ao cao triều khiến dưỡng chất tự nhiên không đủ cho tảo phát triển.
  • Việc lạm dụng kháng sinh hoặc các loại kháng sinh có tác dụng phụ lớn khiến hệ vi khuẩn-tảo trong ao bị tiêu diệt, dư chất trong nước khiến kiềm hãm sự phát triển của tảo.
  •  Nước ao axit.
  • Bón phân nhiều nhưng không đủ chất, thiếu muối thiếu khoáng khiến tảo không thể phát triển.
  • Môi trường thay đổi thất thường, đặc biệt là các cơn mưa khiến độ mặn giảm, không đủ ánh sáng khiến tảo không phát triển tốt.
  •  Các động vật phù du ăn tảo trong nước nhiều (trùng bánh xe, các loại giáp xác chân chèo, Brine Shrimp).
  • Trong nước có quá nhiều tảo tạp (Cladophora, Enteromorpha Prolifra, cỏ mương… vẫn gọi là “rêu”) ức chế sinh sôi phát triển của tảo đơn bào.

Trên đây là những chia sẻ của Bác Sĩ Nhà Nông về cách nuôi tảo gây màu nước nuôi tôm. Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho bà con nông dân, quý bà con có thể truy cập chuyên mục Kỹ Thuật Nhà Nông của chúng tôi để đọc nhiều thông tin bổ ích trong quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, bạn có thể gọi điện đến Hotline 0909 56 22 58 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất!

 

Cập nhật thông tin khuyến mãi nhanh nhất