Hiện tượng Tôm kéo đàn và những chú ý cần biết
Tôm kéo đàn là hiện tượng tôm trong ao kém ăn, thường lội xung quanh bờ và không chịu xuống đáy ao, từ trên bờ có thể dễ dàng quan sát hiện tượng này.
Hiện tượng Tôm kéo đàn và những chú ý cần biết
Tôm kéo đàn là hiện tượng xảy ra trong những ao có nhiệt độ nước quá lạnh, dưới đáy ao có khí độc, khiến tôm di chuyển tránh khỏi vùng nguy hiểm để đến nơi an toàn hơn. Tuy hiện tượng này không gây chết tôm, tuy nhiên hiện tượng tôm kéo đàn là dấu chỉ chất lượng nước trong ao đáng báo động, nếu không xử lý kịp lúc sẽ dẫn đến ảnh hưởng về sau này.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng Tôm kéo đàn
Hiện tượng Tôm kéo đàn sẽ xảy ra khi có thay đổi về thành phần hữu cơ trong nước sản sinh khí độc, ao bị thiếu ô xy, thay đổi pH và nhiệt độ nước. Có thể phân ra những trường hợp sau:
1. Với những ao có màu nước đậm:
Khi chất lượng nước trong ao có độ trong thấp, cũng như lượng Oxy thấp, tạo điều kiện cho khí độc như NH3, NO2 sản sinh ở tầng đáy. Tôm từ đó không thể cư trú được ở đáy ao mà phải di chuyển sang khu vực khác hoặc nổi lên tầng nước mặt, gây ra hiện tượng tôm kéo đàn.
2. Với những ao nước trong:
Tôm kéo đàn sẽ xảy ra trong ao có rong đáy hoặc không có rong đáy.
+ Trong ao có rong mềm hay rong đuôi chồn…Quá trình quang hợp của rong dẫn đến tăng pH (>9). pH tăng cao tạo điều kiện sản sinh NH3 gây độc cho tôm, tôm sẽ di chuyển sang khu vực khác an toàn hơn. Cần xử lý sớm vì nếu nồng độ NH3 vượt ngưỡng cho phép, tôm sẽ bị ngộ độc và chết.
+ Ao không có rong đáy: Những ao này thường nghèo dinh dưỡng, độ kiềm thấp làm mất cân đối các yếu tố môi trường và sự biến động các chỉ tiêu môi trường thường xuyên xảy ra cũng làm cho tôm kéo đàn.
Cách khắc phục hiện tượng tôm kéo đàn hiệu quả
Khi xuất hiện hiện tượng Tôm kéo đàn, tức là môi trường nước trong ao đang xuống thấp, cần xử lý nhanh để tránh các hậu quả về sau. Một số cách khắc phục chất lượng nước để ngăn chặn tình trạng Tôm kéo đàn:
- Tích cực quạt nước nhằm tăng nồng độ Oxy cho nước. Tiến hành thay nước mới nhằm giảm nồng độ khí độc trong môi trường.
- Trong trường hợp ao có nhiều rong, tiến hành vớt bớt rong. Với ao không có rong đáy, tiến hành gây màu nước, cân bằng khoáng, kiểm soát độ kiềm nước.
Các chỉ tiêu của nước để tránh Tôm kéo đàn
- Độ trong nước: Cần kiểm tra độ trong nước thường xuyên, tránh để nước quá đậm, độ trong tốt nhất là 20-30 cm. Nếu nước đậm tiến hành thay nước, nước quá trong cần bón vôi, gây màu nước.
- Độ pH: pH tiêu chuẩn từ 7.5-8.5. pH thấp bón vôi, pH quá cao tiến hành thay nước.
- Độ kiềm: Trên 80 mg/lít (không nên quá 200 mg/lít). Để đạt độ kiềm thích hợp cho tôm bằng cách thay nước, bón vôi sò.
- Quản lý khí độc: Cần chú ý nhiều ở những ao giàu đạm, ở giai đoạn một tháng tuổi vì giai đoạn này tôm chưa khuấy động nước nền đáy ao, khí độc không thể thoát ra ngoài. Khắc phục bằng cách xáo trộn nước, phun chế phẩm sinh học, hoặc áp dụng giải pháp sinh học “cá rô phi – tôm sú”.
Quản lý sức khỏe tôm
Nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, bà con cần chú ý những điều sau:
- Theo dõi chế độ ăn cũng như lượng cho ăn hàng ngày, tránh cho ăn quá nhiều dẫn đến ô nhiễm ao nuôi.
- Sử dụng men vi sinh xử lý nước, xử lý đáy ao Pond Protectics, men tiêu hóa để giúp tôm ăn tốt hơn.
- Tăng cường sử dụng vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm, giúp tôm chống lại các yếu tố gây hại của môi trường.
Trên đây là những chia sẻ của Bác Sĩ Nhà Nông về hiện tượng Tôm kéo đàn. Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho bà con nông dân, quý bà con có thể truy cập chuyên mục Kỹ Thuật Nhà Nông của chúng tôi để đọc nhiều thông tin bổ ích trong quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, bạn có thể gọi điện đến Hotline 0909 56 22 58 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất!
Có thể bạn quan tâm: